Kinh Bát Đại Nhân Giác

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Đệ Thập Thất Sách Số 779

Phật Thuyết Bát Đại Nhân Giác Kinh

Hậu Hán An Tức Quốc Tam Tạng An Thế Cao Dịch

 

Vi Phật đệ tử, thường ư trú dạ, chí tâm tụng niệm, bát đại nhân giác:

Đệ nhất giác ngộ: Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sinh diệt biết dị, hư ngụy vô chủ, tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu, như thị quán sát, tiệm ly sinh tử.

Đệ nhị giác tri: Đa dục vi khổ, sinh tử bì lao, tùng tham dục khởi, thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại.

Đệ tam giác tri: Tâm vô yếm túc, duy đắc đa cầu, tăng trưởng tội ác, Bồ Tát bất nhĩ, thường niệm tri túc, an bần giữ đạo, duy tuệ thị nghiệp.

Đệ tứ giác tri: Giãi đãi đọa lạc, thường hành tinh tiến, phá phiền não ác, tồi phục tứ ma, xuất ấm giới ngục.

Đệ ngũ giác ngộ: Ngu si sinh tử, Bồ Tát thường niệm, quảng học đa văn, tăng trưởng trí huệ, thành tựu biện tài, giáo hóa nhất thiết, tất dĩ đại lạc.

Đệ lục giác tri: Bần khổ đa oán, hoành kết ác duyên, Bồ Tát bố thí, đẳng niệm oán thân, bất niệm cựu ác, bất tăng ác nhân.

Đệ thất giác ngộ: Ngũ dục quá hoạn, tuy vi tục nhân, bất nhiễm thế lạc, thường niệm tam y, ngõa bát pháp khí, chí nguyện xuất gia, thủ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao viễn, từ bi nhất thiết.

Đệ bát giác tri: Sinh tử xí nhiên, khổ não vô lượng, phát đại thừa tâm, phổ tế nhất thiết, nguyện đại chúng sinh, thọ vô lượng khổ, lệnh chư chúng sinh, tất cánh đại lạc.

Như thử bát sự, nãi thị chư Phật, Bồ Tát đại nhân, chi sở giác ngộ. Tinh tiến hành đạo, từ bi trí huệ, thừa pháp thân thuyền, chí Niết Bàn ngạn, phục hoàn sinh tử, độ thoát chúng sinh. Dĩ tiền bát sự, khai đạo nhất thiết, lệnh chư chúng sinh, giác sinh tử khổ, xã ly ngũ dục, tu tâm thánh đạo. Nhược Phật đệ tử, tụng thử bát sự, ư niệm niệm trung, diệt vô lượng tội, tiến thú Bồ Đề, tốc đăng chính giác, vĩnh đoạn sinh tử, thường trụ khoái lạc.



Thánh Tri Phỏng Việt dịch 

Là đệ tử Phật thì phải thường cả ngày lẫn đêm hết lòng thành kính đọc và nghĩ nhớ tám điều giác ngộ này:

Điều giác ngộ thứ nhứt: Phải biết thế gian là vô thường; quốc độ thì mong manh không bền chắc; bốn đại là khổ, là không; năm ấm là vô ngã, hay sinh diệt đổi dời, nó giả dối không thật cũng không chủ; tâm là nguồn gốc của mọi điều ác; thân là chỗ tu tập nhiều điều tội lỗi. Nếu đúng như vậy mà quán xét thì xa dần sinh tử.

Điều giác ngộ thứ hai: Phải biết nhiều dục là khổ; sanh tử nhọc nhằn mỏi mệt đều là do tâm tham dục mà phát sinh. Vậy phải bớt cái lòng tham dục mà học Đạo Giác Ngộ Giải Thoát thì thân tâm mới được an vui tự tại.

Điều giác ngộ thứ ba: Phải biết tâm người thì không bao giờ biết đủ, ngược lại chỉ mong cầu được nhiều nên càng thêm lớn nhiều tội ác. Còn người tu hạnh Bồ Tát thì chẳng phải vậy, vì họ thường nghĩ nhớ về pháp biết đủ, sống an vui trong cảnh nghèo khó mà giữ Đạo, và chỉ lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp duy nhứt cho đời tu của mình.

Điều giác ngộ thứ tư: Phải biết lười biếng thì đọa lạc; nếu thường tu hành tinh tấn thì có thể phá trừ các nghiệp ác phiền não, phá vỡ và hàng phục bốn ma, ra khỏi nhà tù của năm ấm và mười tám giới.

Điều giác ngộ thứ năm: Phải biết do ngu si (vô minh) mà có sinh tử. Do vậy người tu hạnh Bồ Tát thì thường nhớ học rộng nghe nhiều, để thêm lớn Trí Tuệ, thành tựu được cái tài nói pháp thông suốt và lưu loát, hầu giáo hóa tất cả chúng sanh, và khiến họ đều được vui lớn.

Điều giác ngộ thứ sáu: Phải biết ghèo khổ thì thường sanh nhiều thù hận, nên dễ kết nhiều duyên xấu ác. Do vậy người tu hạnh Bồ Tát thì nên nhớ bình đẳng mà bố thí dù người đó có là kẻ oán hay người thân của mình; không nhớ những lỗi lầm xưa, cũng không ghét người ác.

Điều giác ngộ thứ bảy: Phải biết năm dục là lỗi lầm tai họa. Vậy cho nên tuy còn là người thế tục, cũng đừng nên đắm nhiễm những dục lạc của thế gian. Phải thường nhớ nghĩ đến ba Y, một Bát khất thực, và những dụng cụ đúng pháp của người xuất gia để nuôi lớn chí nguyện xuất gia, giữ cái đạo trong sạch, sống một đời sống phạm hạnh cao vời, và từ bi với tất cả chúng sanh.

Điều giác ngộ thứ tám: Phải biết sanh tử không ngừng thiêu đốt nên khổ não cũng không số lượng. Do vậy cần phải phát khởi cái Tâm Đại Thừa, mới có thể cứu giúp khắp tất cả chúng sanh, nguyện thay thế cho chúng sanh chịu vô lượng khổ, và khiến cho các chúng sanh rốt ráo được an vui lớn.

Tám điều như vậy đều là chỗ giác ngộ của chư Phật, Bồ Tát, bậc Đại Nhân; do nhờ tinh tấn hành đạo, tu hạnh từ bi và trí tuệ, mà các ngài ngồi thuyền pháp thân đến bờ Niết Bàn, lại vào sinh tử dùng tám điều này mà khai đạo cho tất cả chúng sanh, khiến cho các chúng sanh thấu rõ được cái khổ sinh tử, mà xa rời năm dục, tu tâm theo con đường Hướng Thượng của chư Phật chư Tổ. Nếu là người đệ tử Phật thì nên đọc tám điều này trong từng mỗi niệm, để diệt vô lượng tội, tiến đến Bồ Đề, tốc lên ngôi Chánh Giác, vĩnh viễn chấm dứt sinh tử, và thường ở trong an lạc.

Các bài viết khác trong Tam Tạng Kinh Điển
01